Online: 12  |   Yesterday: 1843  |   Total: 1734102
vi  en
Home > Chia sẻ > Văn bản pháp luật về Thuế
Văn bản pháp luật về Thuế

Hướng dẫn quyết toán thuế Thu Nhập Cá Nhân TNCN năm 2020

Theo quy định của Luật Thuế Thu Nhập Cá Nhân (TNCN) và Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Người nộp thuế thuộc diện phái quyết toán toán thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch đối với các tổ chức, 120 ngày đối với cá nhân tự đi quyết toán thuế.

 
 
I. ĐỐI TƯỢNG PHẢI QUYẾT TOÁN THUẾ TNCN
1. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công
Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế TNCN nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo, trừ các trường hợp sau:
- Cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10% nếu không có yêu cầu thì không quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.
- Cá nhân được người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà người sử dụng lao động hoặc doanh nghiệp bảo hiểm đã khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tỷ lệ 10% trên khoản tiền phí bảo hiểm tương ứng với phần người sử dụng lao động mua hoặc đóng góp cho người lao động theo hướng dẫn tại Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 92/2015/TT-BTC thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

2. Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công

- Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai quyết toán thuế và quyết toán thuế thay cho cá nhân có uỷ quyền. Trường hợp tổ chức không phát sinh trả thu nhập từ tiền lương, tiền công trong năm 2020 thì không phải khai quyết toán thuế TNCN.
- Tổ chức trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì phải quyết toán thuế đối với số thuế thu nhập cá nhân đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản và cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động để làm cơ sở cho người lao động thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Trường hợp chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ về thuế của doanh nghiệp trước chuyển đổi (như chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty trách nhiệm hữu hạn sang Công ty cổ phần hoặc ngược lại; chuyển đổi Doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật) thì doanh nghiệp trước chuyển đổi không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi doanh nghiệp và không cấp chứng từ khấu trừ thuế đối với người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới, bên tiếp nhận thực hiện khai quyết toán thuế năm theo quy định.
Trường hợp sau khi tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi), người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), cuối năm người lao động có ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức mới phải thu lại chứng từ khấu trừ thuế TNCN do tổ chức cũ đã cấp cho người lao động để làm căn cứ tổng hợp thu nhập, số thuế đã khấu trừ và quyết toán thuế thay cho người lao động.
Riêng tổ chức trả thu nhập giải thể, chấm dứt hoạt động có phát sinh trả thu nhập nhưng không phát sinh khấu trừ thuế TNCN thì tổ chức trả thu nhập không thực hiện quyết toán thuế thu nhập cá nhân, chỉ cung cấp cho cơ quan thuế danh sách cá nhân đã chi trả thu nhập trong năm (nếu có) theo mẫu số 05-DS/TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính chậm nhất là ngày thứ 45 kể từ ngày có quyết định về việc giải thể, chấm dứt hoạt động
 

II. HÌNH THỨC QUYẾT TOÁN THUẾ TNCN

1. Cá nhân ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế trong các trường hợp sau:
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm uỷ quyền quyết toán thuế (bao gồm cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm) thì được ủy quyền quyết toán thuế tại tổ chức trả thu nhập đó đối với phần thu nhập do tổ chức đó chi trả, kể cả trường hợp cá nhân đồng thời có thu nhập từ bảo hiểm nhân thọ (trừ bảo hiểm hưu trí tự nguyện), bảo hiểm không bắt buộc khác có tích lũy về phí bảo hiểm mà đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
+ Trường hợp tổ chức trả thu nhập thực hiện việc tổ chức lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi) và người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới (tổ chức được hình thành sau khi tổ chức lại doanh nghiệp), nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi nào khác thì được uỷ quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả. Trường hợp điều chuyển người lao động giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con, Trụ sở chính và chi nhánh thì cũng được áp dụng nguyên tắc ủy quyền quyết toán thuế như đối với trường hợp tổ chức lại doanh nghiệp.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập, đồng thời có thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% nếu cá nhân không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì được ủy quyền quyết toán tại tổ chức trả thu nhập ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên. Nếu cá nhân có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì cá nhân trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế.
Ví dụ 1: Năm 2020, Bà A có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động dài hạn tại Công ty X, đồng thời có thu nhập vãng lai tại các nơi khác là 90 triệu đồng đã khấu trừ thuế TNCN 10%.
Như vậy, thu nhập vãng lai bình quân tháng trong năm 2020 của Bà A nhỏ hơn 10 triệu đồng (90 triệu đồng : 12 tháng = 7,5 triệu đồng/tháng), nếu Bà A thuộc diện phải quyết toán thuế và không có yêu cầu quyết toán thuế đối với thu nhập vãng lai thì Bà A ủy quyền quyết toán thuế năm 2020 cho Công ty X. Công ty X chỉ quyết toán thuế thay Bà A đối với phần thu nhập do Công ty X trả.
Trường hợp tổ chức trả thu nhập có số lượng lớn người lao động ủy quyền quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập có thể lập danh sách các cá nhân ủy quyền trong đó phản ánh đầy đủ các nội dung tại mẫu số 02/UQ-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 của Bộ Tài chính, đồng thời cam kết tính chính xác, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật về sốliệu, nội dung trong danh sách.

2. Cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế

- Cá nhân đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên nhưng đã được tổ chức trả thu nhập cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN thì không ủy quyền quyết toán thuế cho tổ chức trả thu nhập (trừ trường hợp tổ chức trả thu nhập đã thu hồi và hủy chứng từ khấu trừ thuế đã cấp cho cá nhân).
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công không đảm bảo điều kiện được ủy quyền cho tổ chức trả thu nhập quyết toán thuế theo hướng dẫn tại Điểm 1 nêu trên, nhưng thuộc diện phải quyết toán thuế TNCN theo quy định thì trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế trên toàn bộ thu nhập phát sinh trong năm, cụ thể một số trường hợp không ủy quyền quyết toán thuế TNCN như sau:
+ Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi) thì cá nhân không uỷ quyền quyết toán.
+ Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên tại một đơn vị, đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế.
Ví dụ 2: Năm 2020, Ông B có thu nhập từ tiền lương theo hợp đồng lao động trên 03 tháng tại Công ty M, tháng 3/2020 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty N là 20 triệu đồng đã khấu trừ thuế 10%, tháng 10/2020 ông B có thu nhập vãng lai tại Công ty K là 1,5 triệu đồng chưa đến mức khấu trừ thuế.
Như vậy, trong năm 2020 Ông B có một khoản thu nhập chưa khấu trừ thuế, nếu Ông B thuộc diện quyết toán thuế thì Ông B không ủy quyền quyết toán tại Công ty M, mà trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

3. Trường hợp điều chỉnh sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế

Cá nhân sau khi đã ủy quyền quyết toán thuế, tổ chức trả thu nhập đã thực hiện quyết toán thuế thay cho cá nhân, nếu phát hiện cá nhân thuộc diện trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế thì tổ chức trả thu nhập không điều chỉnh lại quyết toán thuế TNCN của tổ chức trả thu nhập, chỉ cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân theo số quyết toán và ghi vào góc dưới bên trái của chứng từ khấu trừ thuế nội dung: “Công ty … đã quyết toán thuế TNCN thay cho Ông/Bà …. (theo ủy quyền) tại dòng (số thứ tự) … của Phụ lục Bảng kê 05-1/BK-TNCN” để cá nhân trực tiếp quyết toán thuế với cơ quan thuế.

III. MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC

1. Thu nhập chịu thuế
Thu nhập chịu thuế được xác định theo hướng dẫn tại các văn bản về thuế TNCN áp dụng cho năm 2020; Doanh nghiệp lưu ý một số nội dung sau:
- Đối với khoản tiền nhà ở, điện, nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) không bao gồm: Khoản lợi ích về nhà ở, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng để cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại khu công nghiệp; nhà ở do người sử dụng lao động xây dựng tại khu kinh tế, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn cung cấp miễn phí cho người lao động làm việc tại đó.
Trường hợp cá nhân ở tại trụ sở làm việc thì thu nhập chịu thuế căn cứ vào tiền thuê nhà hoặc chi phí khấu hao, tiền điện, nước và các dịch vụ khác tính theo tỷ lệ giữa diện tích cá nhân sử dụng với diện tích trụ sở làm việc.
khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do đơn vị sử dụng lao động trả thay tính vào thu nhập chịu thuế theo số thực tế trả thay nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà, điện nước và dịch vụ kèm theo (nếu có)) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập.
- Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế được tổng hợp tại Danh mục tổng hợp các khoản phụ cấp, trợ cấp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành làm cơ sở xác định thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương , tiền công ban hành tại Công văn số 1381/TCT-TNCN ngày 24/04/2014 của Tổng Cục Thuế

2. Thu nhập tính thuế bình quân tháng

- Khi thực hiện quyết toán thuế năm thì thu nhập tính thuế bình quân tháng được xác định bằng cả năm (12 tháng) trừ (-) tổng các khoản giảm trừ của cả năm sau đó chia cho 12 tháng.
- Trường hợp cá nhân cư trú là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập thì nghĩa vụ thuế TNCN được tính từ tháng đến Việt Nam trong trường hợp cá nhân lần đầu tiên có mặt tại Việt Nam đến tháng kết thúc Hợp đồng lao động và rời Việt Nam (được tính đủ theo tháng).
Ví dụ 3: Năm 2020, ông D là công dân của Nhật Bản đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 05/3/2020 theo Hợp đồng làm việc tại Công ty X, đến ngày 25/11/2020 ông D kết thúc Hợp đồng làm việc tại Công ty X và rời Việt Nam. Hàng tháng ông D nhận được tổng thu nhập từ tiền lương, tiền công (từ công ty tại Việt Nam và tại Nhật Bản trả) là 70 triệu đồng/tháng. Ông D không kê khai người phụ thuộc. Từ ngày 05/3/2020 đến 25/11/2020, ông D có mặt tại Việt Nam là 265 ngày.
Như vậy, năm 2020 ông D là cá nhân cư trú tại Việt Nam. Trước khi rời Việt Nam ngày 25/11/2020, ông D thực hiện quyết toán thuế TNCN tại Việt Nam như sau:
- Tổng thu nhập chịu thuế năm 2020: 70 triệu đồng x 9 tháng = 630 triệu đồng
- Khoản giảm trừ gia cảnh cho bản thân ông D năm 2020:
10 triệu đồng x 9 tháng = 99 triệu đồng.
- Thu nhập tính thuế năm 2020:
630 triệu đồng - 99 triệu đồng = 531 triệu đồng
- Thu nhập tính thuế bình quân tháng năm 2020:
531 triệu đồng : 9 tháng = 59 triệu đồng.
3. Quy đổi thu nhập không bao gồm thuế TNCN thành thu nhập có thuế TNCN
Việc quy đổi thu nhập không bao gồm thuế TNCN thành thu nhập có thuế TNCN được thực hiện theo hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính
4. Các khoản giảm trừ

4.1. Về việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ( 11 triệu đồng)

- Trường hợp trong kỳ tính thuế cá nhân cư trú chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân hoặc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân chưa đủ 12 tháng thì được tính đủ 12 tháng nếu thực hiện quyết toán thuế theo quy định.
Ví dụ 4: Từ tháng 01/2020 đến tháng 4/2020 bà E không có thu nhập từ tiền lương, tiền công. Từ tháng 5/2020 đến tháng 12/2020 bà E có thu nhập từ tiền lương, tiền công do ký hợp đồng lao động trên 03 tháng tại Công ty A. Như vậy, trong năm 2020 bà E được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 5/2020 đến hết tháng 12/2020 (tương ứng với tháng có phát sinh thu nhập). Nếu bà E thực hiện quyết toán thuế thì bà E được tính giảm trừ cho bản thân đủ 12 tháng.
- Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân được tính tương ứng với số tháng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân phải khai tại Việt Nam theo quy định.
Ví dụ 5: Ông F là người nước ngoài đến Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 25/10/2020. Ngày 05/8/2021, ông F kết thúc hợp đồng lao động về nước. Trong khoảng thời gian từ ngày 25/10/2020 đến ngày 05/8/2021 Ông F có mặt tại Việt Nam 285 ngày. Như vậy trong năm tính thuế đầu tiên (từ ngày 25/10/2020 đến ngày 05/8/2021), ông F là cá nhân cư trú tại Việt Nam và được giảm trừ gia cảnh cho bản thân từ tháng 10/2020 đến hết tháng 8/2021.
4.2 .Về việc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc ( 4,4 triệu đồng)
Việc giảm trừ gia cảnh cho NPT mà người nộp thuế có nghĩa vụ nuôi dưỡng được tính kể từ tháng có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng theo hướng dẫn tại Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính , Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính và Nghị Quyết số 954/2020/UBTVQH14, cụ thể một số nội dung cần lưu ý sau:
- Người phụ thuộc đã đăng ký và có đầy đủ hồ sơ chứng minh NPT quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính thì được giảm trừ gia cảnh
trong năm 2020, kể cả trường hợp người phụ thuộc chưa được cơ quan thuế cấp MST.
- Đối với cá nhân là công dân của quốc gia, vùng lãnh thổ đã ký kết Hiệp định với Việt Nam về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập và là cá nhân cư trú tại Việt Nam thì việc tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc được tính tương ứng với số tháng xác định nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân phải khai tại Việt Nam theo quy định.
- Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ NPT sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng tại Mẫu 02/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính khai "Thời điểm tính giảm trừ" đúng thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng thì khi quyết toán thuế TNCN được tính lại theo thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng mà không phải đăng ký lại.
- Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ NPT sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng nhưng tại Mẫu 02/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính khai "Thời điểm tính giảm trừ" sau thời điểm thực tế phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng, nếu cá nhân thuộc diện phải quyết toán thuế thì khi quyết toán thuế để được tính lại theo thực tế phát sinh, cá nhân đăng ký lại tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính và gửi kèm hồ sơ quyết toán thuế.
Ví dụ 6: Giả sử tháng 3/2020 bà K sinh con, tháng 8/2020 bà K đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN bà K khai chỉ tiêu “thời điểm tính giảm trừ” là tháng 3/2020 thì trong năm bà K được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 8/2020, khi quyết toán bà K được tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ tháng 3/2020 đến hết tháng 12/2020 mà không phải đăng ký lại.
Ví dụ 7: Giả sử tháng 3/2020 bà K sinh con, tháng 8/2020 bà K đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN bà K khai chỉ tiêu “thời điểm tính giảm trừ” là tháng 8/2020 thì trong năm bà K được tạm tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc kể từ tháng 8/2020, khi quyết toán để được tính lại theo thực tế phát sinh từ tháng 3/2020 thì bà K phải đăng ký lại theo thực tế phát sinh tại Mẫu số 02/ĐK-NPT-TNCN và gửi kèm theo hồ sơ quyết toán thuế.
- Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ gia cảnh cho NPT kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện quyết toán thuế và đã khai đầy đủ thông tin NPT gửi tổ chức trả thu nhập kê khai vào mẫu phụ lục Bảng kê 05-3/BK-QTT-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính
- Trường hợp người nộp thuế có phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng đối với người phụ thuộc khác hướng dẫn tại tiết d.4 Điểm d Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính (như: anh, chị, em ruột; ông, bà nội ngoại; cô, dì...) thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12/2020, nếu đăng ký giảm trừ gia cảnh quá thời hạn nêu trên người nộp thuế không được giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc đó cho năm 2020.
4.3. Điều kiện để xác định người khuyết tật, không có khả năng lao động là người phụ thuộc
Người khuyết tật, không có khả năng lao động theo hướng dẫn tại tiết đ.1.1 Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính là những người thuộc diện điều chỉnh của pháp luật về người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo và không có khả năng lao động. Danh mục Bệnh hiểm nghèo được áp dụng theo công vắn số 6383/BTC-TCT ngày 18/5/2015 của Bộ Tài Chính về việc cá nhân mắc bệnh hiểm nghèo được xét miễn giảm thuế TNCN

4.4. Thủ tục, hồ sơ quyết toán thuế TNCN

4.4.1. Hồ sơ khai quyết toán thuế
- Hồ sơ khai quyết toán thuế TNCN năm 2020 thực hiện theo hướng dẫn tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thông tư thì sẽ cập nhật sau, tuy nhiên chúng ta cần lưu một số nội dung sau:
- Trường hợp tổ chức trả thu nhập không cấp chứng từ khấu trừ thuế cho cá nhân do tổ chức trả thu nhập đã chấm dứt hoạt động thì cơ quan thuế căn cứ cơ sở dữ liệu của ngành thuế để xem xét xử lý hồ sơ quyết toán thuế cho cá nhân mà không bắt buộc phải có chứng từ khấu trừ thuế.
- Trường hợp người nộp thuế bị mất chứng từ khấu trừ thuế (liên giao cho người nộp thuế) thì người nộp thuế có thể sử dụng bản chụp chứng từ khấu trừ thuế (liên lưu tại tổ chức chi trả thu nhập) để chứng minh số thuế thu nhập đã khấu trừ, đã tạm nộp trong năm khi hoàn thuế, quyết toán thuế. Cơ quan thuế nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu chứng từ khấu trừ thuế người nộp thuế cung cấp với các thông tin trên hệ thống dữ liệu ngành thuế và một số tài liệu khác liên quan khi giải quyết hồ sơ hoàn thuế, quyết toán thuế cho người nộp thuế.

4.4.2. Nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế

4.4.2.1. Đối với tổ chức trả thu nhập
Theo hướng dẫn tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN đối với tổ chức trả thu nhập như sau:
- Tổ chức trả thu nhập là cơ sở sản xuất, kinh doanh nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức.
- Tổ chức trả thu nhập là cơ quan Trung ương; cơ quan thuộc, trực thuộc Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh; cơ quan cấp tỉnh nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuếnơi tổ chức đóng trụ sở chính.
- Tổ chức trả thu nhập là cơ quan thuộc, trực thuộc UBND cấp huyện; cơ quan cấp huyện nộp hồ sơ khai thuế tại Chi cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.
- Tổ chức trả thu nhập là các cơ quan ngoại giao, tổ chức quốc tế, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài nộp hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế nơi tổ chức đóng trụ sở chính.
4.4.2.2. Đối với cá nhân
Theo hướng dẫn tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14 và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP thì nơi nộp hồ sơ quyết toán của cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công như sau:
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp khai thuế trong năm thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Cục Thuế nơi cá nhân nộp hồ sơ khai thuế trong năm.
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công từ hai nơi trở lên thuộc diện tự quyết toán thuế thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế như sau:
+ Cá nhân đã tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân tại tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý tổ chức trả thu nhập đó. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng có tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại cơ quan thuế quản lý tổ chức trả thu nhập cuối cùng. Trường hợp cá nhân có thay đổi nơi làm việc và tại tổ chức trả thu nhập cuối cùng không tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
Ví dụ 8: Năm 2020, ông S làm việc tại TP Hồ Chí Minh và thuộc diện phải trực tiếp quyết toán thuế TNCN. Tháng 01/2021, ông S chuyển ra Hà Nội làm việc tại Công ty A do Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm quản lý và cư trú tại Chi cục Thuế quận Tây Hồ. Như vậy, Ông S nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2020 tại:
Chi cục Thuế quận Hoàn Kiếm nếu tại thời điểm quyết toán năm 2020, Ông S đang được tính giảm trừ bản thân tại Công ty A. Chi cục Thuế quận Tây Hồ nếu tại thời điểm quyết toán năm 2020, Ông S không tính giảm trừ bản thân tại Công ty A.
+ Trường hợp cá nhân chưa tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân ở bất kỳ tổ chức trả thu nhập nào thì nộp hồ sơ quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
- Trường hợp cá nhân không ký hợp đồng lao động, hoặc ký hợp đồng lao động dưới 03 tháng, hoặc ký hợp đồng cung cấp dịch vụ có thu nhập tại một nơi hoặc nhiều nơi đã khấu trừ 10% thì quyết toán thuế tại Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).
- Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại một nơi hoặc nhiều nơi nhưng tại thời điểm quyết toán không làm việc tại tổ chức trả thu nhập nào thì nơi nộp hồ sơ quyết toán thuế là Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú).

4.4.3. Đối với cá nhân cư trú tại nhiều nơi và thuộc diện quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú

Trường hợp cá nhân cư trú tại nhiều nơi và thuộc diện quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi cá nhân cư trú thì cá nhân lựa chọn một nơi cư trú để quyết toán thuế.

5. Thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN

Tổ chức trả thu nhập và cá nhân thuộc diện khai quyết toán thuế nộp hồ sơ quết toán thụế chậm nhất là ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Trường hợp cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam nhưng trước khi xuất cảnh phải làm thủ tục quyết toán thuế với cơ quan thuế thì thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập cá nhân trong trường hợp này chậm nhất là ngày thứ 45 (bốn mươi lăm) kể từ ngày cá nhân xuất cảnh.
6. Hoàn thuế
6.1. Việc hoàn thuế TNCN đối với tổ chức trả thu nhập thực hiện quyết toán thay cho cá nhân uỷ quyền quyết toán thuế thực hiện theo quy định tại Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính và Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính.
6.2. Việc hoàn thuế TNCN đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 28 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài Chính và Điều 23 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài Chính.
6.3. Cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế thu nhập cá nhân theo quy trình hoàn thuế hiện hành.

7. Về việc kê khai Phụ lục bảng kê mẫu số 05-3/BK-TNCN

- Cơ quan thuế hướng dẫn tổ chức trả thu nhập kê khai đầy đủ 100% NPT đã tính giảm trừ trong năm 2020 vào Phụ lục bảng kê 05-3/BK-TNCN. Đối với những NPT đã được cấp MST thì không phải khai đủ các thông tin định danh chỉ cần khai thông tin tại các chỉ tiêu [06] “STT”, [07] “Họ và tên người nộp thuế”, [08] “MST của người nộp thuế”, [09] “Họ và tên người phụ thuộc”, [11] “MST của người phụ thuộc”, [14] “Quan hệ với người nộp thuế”, [21] “Thời gian tính giảm trừ từ tháng”, [22] “Thời gian tính giảm trừ đến tháng”.
- Đối với trường hợp tổ chức trả thu nhập có yêu cầu cấp trước MST cho NPT trước khi nộp hồ sơ quyết toán thuế, để đảm bảo khai đầy đủ 100% NPT đã tính giảm trừ gia cảnh trong năm 2020 thì cơ quan thuế hướng dẫn và hỗ trợ tổ chức trả thu nhập thực hiện như sau:
+ Tổ chức trả thu nhập gửi thông tin của NPT cho cơ quan thuế trước khi gửi hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2020 bằng cách khai vào Bảng tổng hợp đăng ký giảm trừ NPT Mẫu số 16/TH được hỗ trợ trên các ứng dụng HTKK, iHTKK và QTTNCN đến cơ quan thuế. Căn cứ vào thông tin trên Mẫu số 16/TH, cơ quan thuế thực hiện cấp MST cho người phụ thuộc của NNT.
+ Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế tổ chức trả thu nhập chỉ phải khai vào Phụ lục bảng kê 05-3/BK-TNCN đối với những NPT đã có MST trước thời điểm quyết toán năm 2020 và những NPT chưa có MST (bao gồm cả những NPT đã khai vào Mẫu số16/TH nhưng chưa được cấp MST thành công). Trường hợp NPT đã khai vào Mẫu số16/TH nhưng đã được thông báo cấp MST thành công thì khôngphải khai lại vào Phụ lục bảng kê 05-3/BK-TNCN.
+ Trường hợp đã khai thông tin NPT vào Phụ lục 05-3/BK-TNCN nhưng vẫn có yêu cầu được cấp trước MST cho NPT thì cơ quan thuế hướng dẫn sử dụng chức năng “Tải dữ liệu từ Bảng kê 05-3/BK- TNCN trên tờ khai 05/KK-TNCN” tại màn hình chức năng 16/TH để lấy dữ liệu gửi đến cơ quan thuế đối với những NPT đã có đầy đủ thông tin.
Ví dụ 9: Công ty A trong năm 2020 tính giảm trừ cho 1.000 NPT, trong đó: có 400 NPT đã được cấp MST trước thời điểm quyết toán 2020, còn lại 600 NPT chưa có MST và Công ty A đã gửi để cấp MST trước 500 NPT theo mẫu số 16/TH. Trong 500 NPT gửi cấp MST trước thì chỉ có 450 NPT được thông báo cấp MST thành công. Trường hợp này, khi Công ty A gửi hồ sơ quyết toán thuế năm 2020, tại Phụ lục Bảng kê 05-3/BK-TNCN chỉ phải khai 400 NPT đã có MST trước thời điểm quyết toán năm 2020 và 150 NPT chưa được cấp MST (bao gồm 50 NPT chưa được cấp MST thành công tại mẫu số 16/TH).
- Trường hợp NNT có thay đổi thông tin NPT, bổ sung thêm mới NPT hoặc giảm NPT thì tổ chức trả thu nhập thực hiện khai bổ sung theo nguyên tắc sau:
+ Trường hợp thay đổi thông tin NPT, bổ sung thêm mới NPT hoặc giảm NPT mà không làm sai sót dữ liệu đã kê khai trên tờ khai 05/KK-TNCN và các Phụ lục khác kèm theo tờ khai quyết toán thuế thì tổ chức trả thu nhập chỉ cần khai Bảng tổng hợp đăng ký giảm trừ NPT cho các trường hợp cần thay đổi/bổ sung NPT.
+ Trường hợp thay đổi thông tin NPT, bổ sung thêm mới NPT hoặc giảm NPT có làm sai sót dữ liệu đã kê khai trên tờ khai 05/KK-TNCN và các Phụ lục khác kèm theo tờ khai thì tổ chức trả thu nhập thực hiện kê khai như sau:
++ Khai bổ sung tờ khai QT 05/KK-TNCN kèm theo các Phụ lục cần điều chỉnh (trừ Phụ lục 05-3/BK-TNCN).
++ Khai thông tin thay đổi/bổ sung về NPT vào Bảng tổng hợp đăng ký giảm trừ NPT.

8. Về việc cấp MST cho NPT tại hồ sơ quyết toán thuế năm 2020

- Cơ quan thuế căn cứ Phụ lục bảng kê 05-3/BK-TNCN và mẫu số 16/TH để cấp MST cho NPT chưa có MST nhưng đã có đầy đủ thông tin. Đối với những NPT chưa có MST và chưa có đầy đủ thông tin để cấpMST thì cơ quan thuế đôn đốc và hướng dẫn người nộp thuế bổ sung thông tin NPT. Sau thời điểm quyết toán thuế, ứng dụng sẽ hỗ trợ cơ quan thuế kết xuất các tổ chức trả thu nhập còn nhiều NPT chưa được cấp MST để cơ quan thuế đôn đốc bổ sung thông tin, đưa vào kế hoạch kểm tra, thanh tra.

9. Các hình thức nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN năm 2020

Cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế các hình thức nộp tờ khai quyết toán thuế đối với các trường hợp cụ thể như sau:
Đối với người nộp thuế đã đăng ký và khai quyết toán thuế TNCN qua mạng (iHTKK) thì không phải nộp tờ khai giấy do đã sử dụng chữ ký số nên đảm bảo tính pháp lý khi gửi tờ khai.
Đối với người nộp thuế chưa đăng ký khai thuế qua mạng thì cơ quan thuế hướng dẫn người nộp thuế trực tiếp nộp hồ sơ quyết toán thuế với cơ quan thuế.
P/s: Bài viết dựa theo hướng dẫn của Tổng Cục Thuế ở Công văn số 801/TCT-TNCN
 
 

Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!