TPP, bông hồng có gai
Nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương Lê Đăng Doanh gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) là một “bông hồng có gai”. Cái tên như lời động viên cho Việt Nam khi Hiệp định này không thể hoàn thành vào năm 2013 như kỳ vọng.
“TPP sẽ không “hiền lành” như WTO mà như một bông hồng có gai. Chẳng hạn, khi chúng ta vào WTO, các văn bản nghị định phải được lấy ý kiến trước 60 ngày, nhưng nhiều văn bản của chúng ta không làm thế mà WTO vẫn không nói gì. Nhưng TPP thì khác. Nếu chúng ta không tuân thủ các quy định, họ có quyền kiện ngay. Chúng ta cần đạt được các cải cách tối thiểu để gia nhập TPP”- TS. Lê Đăng Doanh nói.
Không hoàn toàn là phần thưởng
Sau 19 phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên không chính thức, đàm phán Hiệp định TPP đang bước vào giai đoạn cuối cùng. Gần đây nhất, các bộ trưởng các nước tham gia TPP đã nhóm họp tại Singapore từ ngày 7 đến ngày 10/12/2013 và dự kiến phiên đàm phán cấp Bộ trưởng tiếp theo sẽ diễn ra vào cuối tháng 2/2014.
Với chương trình làm việc dày đặc ngay trong đầu năm 2014, các nước đều mong muốn tiếp tục thúc đẩy đàm phán, hướng tới việc kết thúc đàm phán Hiệp định TPP ngay trong đầu năm 2014. Tuy nhiên, càng đi vào giai đoạn đàm phán quyết định thì các nội dung đàm phán càng phức tạp. Vì thế, chưa rõ, TPP có thể cán đích vào thời điểm nào.
Trong thời gian chờ đợi, ngày càng có nhiều hơn những khuyến nghị cần bình tĩnh hơn với TPP và TPP không hoàn toàn là một phần thưởng, một món quà đối với nền kinh tế Việt, thậm chí, trong một vài trường hợp, có khi là ngược lại, như đối với lĩnh vực nông nghiệp.
Giám đốc Trung tâm Tư vấn, bồi dưỡng pháp luật kinh doanh (Đại học Kinh tế Tp.HCM), ông Nguyễn Việt Khoa có phân tích, trong số các quốc gia tham gia TPP, Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp và đây cũng chính là thách thức lớn nhất đặc biệt đối với ngành nông nghiệp khi mà sản xuất còn manh mún, năng suất sản xuất thấp, chất lượng chưa đảm bảo đặc biệt là vấn đề thương hiệu ngành nông nghiệp quốc gia của Việt Nam chưa thể cạnh tranh với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
“Tác động tổng thể của TPP đối với nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực, song không có nghĩa đúng với mọi ngành, mọi doanh nghiệp, đặc biệt là đối với ngành nông nghiệp. Tham gia TPP khi người nông dân có sự cập nhật thông tin chậm, sẽ có khả năng mất thị trường, chịu áp lực cạnh tranh lớn thậm chí là thất thế về mặt pháp lý khi xảy ra tranh chấp và kiện tụng”, ông Khoa khuyến cáo.
“Điều chắc chắn và đã rõ: tham gia TPP là một thách thức lớn đối với Việt Nam”, ông Nguyễn Đình Lương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA), khẳng định - “Việt Nam sẽ là nước khó khăn trong cuộc đàm phán TPP này vì Việt Nam là nước có nền kinh tế kém nhất và hệ thống pháp luật khập khiễng nhất trong số các nước đang đàm phán. Không thể có chuyện như có người nói rằng TPP sẽ là một bữa “đại tiệc” của Việt Nam”.
Phải đảm bảo các lợi ích cốt lõi
Nhìn lại thời điểm Việt Nam tràn ngập khí thế gia nhập WTO với niềm hứng khởi kinh tế Việt Nam sẽ như là một con tàu ra “biển lớn”, ông Lương nhận xét “thực tiễn tham gia WTO cho thấy rằng: khả năng thích ứng với kinh tế thị trường ở Việt Nam là rất kém, khả năng chủ động khai thác cơ hội là rất yếu. Làm ăn không bài bản, không chiến lược, không chiến thuật. Đánh trống bỏ dùi”.
Vị chuyên gia này cũng lo ngại tham gia TPP, “lợi ích nhiều hay ít còn phụ thuộc vào khả năng khai thác cơ hội. Biết khai thác cơ hội sẽ được nhiều, có khi được rất nhiều. Nhưng trong nền kinh tế toàn cầu hóa, thế giới đang đua tranh, nếu anh lập cập không biết làm ăn, anh chỉ được “ăn xái” vạch lưng ra cho người ta giẫm lên”.
Mới đây, khi trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng đã nhấn mạnh “Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức tương đối lớn”.
Theo người đứng đầu ngành công thương, đó là, tham gia TPP sẽ tạo ra sức ép về mở cửa thị trường, cạnh tranh đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, nhiều ngành sản xuất và dịch vụ có thể sẽ gặp khó khăn.
Tham gia Hiệp định TPP cũng có thể gây ra một số hệ quả về mặt xã hội. Tự do hóa thương mại quá đột ngột có thể dẫn tới phá sản và tình trạng thất nghiệp ở các doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh yếu.
Các yêu cầu trong TPP liên quan đến lao động dự kiến sẽ có tác động tới môi trường lao động ở Việt Nam. Bên cạnh đó, để thực thi cam kết trong TPP, Việt Nam có thể sẽ phải điều chỉnh, sửa đổi nhiều quy định pháp luật về thương mại, đầu tư, đấu thầu, sở hữu trí tuệ...
Ông Hoàng còn cho biết, TPP là hiệp định với tiêu chuẩn cao, có thể đem lại nhiều lợi ích nếu ta có phản ứng chính sách phù hợp. Đoàn đàm phán Việt Nam đang tham gia với cách tiếp cận làm sao vừa xây dựng, cầu thị và linh hoạt nhưng phải đảm bảo các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được các nước đáp ứng, đảm bảo các vấn đề mang tính nguyên tắc và thể chế của ta được duy trì và trên hết bằng mọi cách phải đảm bảo lợi ích kinh tế ta thu được từ hiệp định về lâu dài phải lớn hơn các tác động tiêu cực nếu có.
(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)
Related News
- Circular 27/2013/TT-BLDTBXH - Providing for occupational safety and hygiene training
- MƯỜI ĐIỀU DOANH NGHIỆP CẦN “SOI” LẠI MÌNH
- Hợp Đồng Học Việc - Một Hình Thức "Lách" Luật
- Giấy phép con có xu hướng trở lại!
- Thanh toán bằng ngoại tệ có làm hợp đồng vô hiệu
- NHỮNG RỦI RO CHO NHÀ LÃNH ĐẠO TẬP ĐOÀN, TỔNG CÔNG TY NHÀ NƯỚC NHÌN TỪ KHÍA CẠNH PHÁP LÝ
- Bình đẳng mọi thành phần kinh tế