Đang online: 18  |   Hôm qua: 1843  |   Lượt truy cập: 1734102
vi  en
Trang chủ > Chia sẻ > Trao đổi - Nghiên cứu
 028. 3505 4224
Trao đổi - Nghiên cứu

Thanh toán bằng ngoại tệ có làm hợp đồng vô hiệu

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên về một vấn đề nào đó. Một hợp đồng có hiệu lực pháp lý thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1 điều 122 Bộ Luật sân dự 2005, điều kiện có

Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ của các bên về một vấn đề nào đó. Một hợp đồng có hiệu lực pháp lý thì phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện có hiệu lực theo quy định của pháp luật. Tại khoản 1 điều 122 Bộ Luật sân dự 2005, điều kiện có hiệu lực của một giao dịch hay một hợp đồng như sau: “ a) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; b) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội; c) Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện.”

Tuy nhiên, trong khi giao kết hợp đồng, các bên thường có những thỏa thuận nhằm cũng cố tối đa lợi ích của mình mà quên rằng những thỏa thuận thuận của mình vi phạm pháp luật. Điều này nhiều khi dẫn đến việc lách luật thậm chí là vi phạm pháp luật để đạt được mục đích của mình, từ đó sẽ dẫn đến hợp đồng vô hiệu. Trong bài viết này, chúng tôi xin đề cập đến sự thỏa thuận về điều khoản thanh toán trong hợp đồng.

Từ thực tế đó, một câu hỏi được đặt ra là đối với các hợp đồng có điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ thì có dẫn đến hậu quả hợp đồng đó vô hiệu hay không? Bài viết này sẽ phân tích những quy định của pháp luật hiện hành để làm rõ vấn đề này.

Một thực trạng đáng báo động ở Việt Nam là việc quy định đồng tiền thanh toán trong hợp đồng, phải thừa nhận rằng tâm lý xem trọng ngoại tệ và sợ đồng tiền Việt Nam mất giá là một tâm lý chung của các doanh nghiệp và các cá nhân kinh doanh. Mặc dù pháp luật Việt Nam đã ngăn cấm tình trạng quy định đồng tiền thanh toán là ngoại tệ trong hợp đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hợp đồng hiện nay khi giao dịch, các bên vẫn sử dụng đồng tiền thanh toán là ngoại tệ mà cụ thể trong trường hợp này là đồng Đô la Mỹ đặc biệt là các lĩnh vực: cho thuê văn phòng, mua bán căn hộ cao cấp, những dịch vụ cao cấp...

Vấn đề đặt ra, nếu việc sử dụng đồng tiền thanh toán là ngoại tệ thì có dẫn đến hợp đồng vô hiệu hay không? Nếu vô hiệu thì xử lý như thế nào? Trong trường hợp này xác định lỗi ra sao? khi gặp những hợp đồng này thì các bên phải xử lý như thế nào?

Từ thực tiễn nghiên cứu và tư vấn những vấn đề liên quan đến hợp đồng, chúng tôi xin đưa ra một số ý kiến như sau:

1. Về khía cạnh pháp lý

Pháp lệnh ngoại hối 2005 ngày 13 tháng 12 năm 2005 của Ủy Ban thường vụ Quốc hội quy định:“Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các giao dịch với tổ chức tín dụng, các trường hợp thanh toán thông qua trung gian gồm thu hộ, uỷ thác, đại lý và các trường hợp cần thiết khác được Thủ tướng Chính phủ cho phép.” (Điều 22)Và được hướng dẫn cụ thể tại Điều 29 Nghị định 160/2006 hướng dẫn thi hành Pháp lệnh ngoại hối 2005 của Chính phủ (NĐ160):“Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo  của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối …”. Vì vậy, nếu việc niêm yết, quảng cáo giao dịch mà thanh toán bằng ngoại hối thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính : “ Chánh thanh tra ngân hàng nhà nước vừa ra quyết định phạt Đại học FPT 500 triệu đồng và được yêu cầu không niêm yết, quảng cáo bằng ngoại tệ, phạt công ty Ngọc Long vi phạm quy định về việc mua bán, thanh toán bằng ngoại tệ với số tiền 100 triệu đồng và tịch thu số ngoại tệ là 12,195 USD”( Nguồn: Báo mới ngày 24 tháng 11 năm 2011)

Như vậy, trừ những trường hợp được phép theo quy định tại Điều 29 NĐ160, pháp luật hiện hành cấm mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện bằng ngoại hối. Do đó, những hợp đồng nào có điều khoản thể hiện giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ thì đã vi phạm điều cấm của pháp luật. Sự vi phạm đó là cơ sở để Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu do có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự tại Điều 128:Giao dịch dân sự có mục đích và nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.Điều cấm của pháp luật là những quy định của pháp luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định”.

Hiểu theo quy định này, thì khi nào có sự vi phạm điều cấm của pháp luật mà không cần quan tâm là có bao nhiêu điều khoản của hợp đồng vi phạm thì có thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Vì vậy, có thể xem hợp đồng thỏa thuận điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ, nếu không thuộc trường hợp pháp luật cho phép thì có thể xem là hợp đồng vô hiệu. Việc xử lý hợp đồng vô hiệu căn cứ vào điều 137: “ 1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự của các bên từ thời điểm xác lập; 2) khi giao dịch dân sự dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả lại bằng hiện vật thì phải hoàn trả lại bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường”. Như vậy, nếu hợp đồng ký kết giữa các bên quy định thanh toán bằng đồng ngoại tệ nếu không thuộc vào trường hợp được thanh toán bằng ngoại tệ thì, các bên có quyền thực hiện các hành vi sau:

Thứ nhất, nếu hợp đồng chưa thực hiện các bên có quyền không thực hiện. Việc một bên hoặc cả hai bên không thực hiện hợp đồng là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật.

Thứ hai, nếu hợp đồng đang thực hiện thì các bên chấm dứt việc thực hiện. Trong trường hợp này bên có lỗi phải bồi thường, thông thường bên có lỗi là bên bán hàng hóa hoặc là bên cung ứng dịch vụ.

Thứ ba, nếu hợp đồng đã thực hiện xong thì phải giải quyết hậu quả, trong trường hợp này bên có lỗi phải bồi thường. Trong trường hợp này lỗi thuộc về bên soạn thảo hợp đồng khi họ đưa điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ vào hợp đồng, vì vậy bên soạn thảo hợp đồng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên còn lại nếu bên còn lại chứng minh được thiệt hại.

2. Từ thực tiễn xét xử

Tuy nhiên, thực tiễn xét xử lại không hoàn toàn giống như vậy. Nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP ngày 27-5-2003  của Hội Đồng Thẩm phán TANDTC (NQ04/2003)  hướng dẫn pháp lệnh hợp đồng kinh tế, chia ra làm hai trường hợp và có cách giải quyết khác nhau.

Một là, nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, nhưng sau đó các bên có thoả thuận thanh toán bằng Đồng Việt Nam thì không bị coi là vô hiệu toàn bộ. Với hợp đồng này, yếu tố thanh toán bằng Đồng Việt Nam rất quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu lực toàn bộ của cả hợp đồng. Tuy nhiên, điều khoản này vẫn bị vô hiệu vì vi phạm điều cấm theo quy định của pháp luật. Còn những điều khoản khác còn lại của hợp đồng vẫn có hiệu lực và thực tế cho thấy Tòa án sẽ buộc các bên thỏa thuận lại các điều khoản này cho phù hợp với quy định của pháp luật.

Hai là, nếu trong nội dung của hợp đồng kinh tế các bên có thoả thuận thanh toán bằng ngoại tệ trong khi đó một hoặc các bên không được phép thanh toán bằng ngoại tệ, thì hợp đồng kinh tế bị coi là vô hiệu toàn bộ. Theo quy định này, một hợp đồng sẽ bị coi là vô hiều toàn bộ nếu có hai yếu tố sau đây. Thứ nhất, điều khoản giá cả, thanh toán được thực hiện hoàn toàn bằng ngoại tệ. Thứ hai, một hoặc các bên không có được phép thanh toán bằng ngoại tệ. Khi hợp đồng có hai yếu tố đó, một hoặc các bên có yêu cầu thì Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu toàn bộ. Hai bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận theo quy định của BLDS (Điều 137).

Tuy nhiên Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989 không còn hiệu lực, vì vậy nghị quyết số 04/2003/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao đã không còn hiệu lực thi hành. Vì vậy, hiện nay việc xem xét một hợp đồng kinh doanh thương mại có vô hiệu hay không phải dựa vào quy định của Bộ luật dân sự năm 2005.

Theo Bộ luật dân sự năm 2005 thì nếu trong hợp đồng các bên thỏa thuận thanh toán bằng ngoại tệ cho dù trong nội dung thanh toán hai bên có thỏa thuận chuyển ra đồng tiền Việt Nam để thanh toán thì hợp đồng đương nhiên được xem là vô hiệu, nếu một trong các bên có yêu cầu vì việc thỏa thuận này được xem là vi phạm điều cấm của pháp luật. Trong trường hợp này một trong các bên có quyền đề nghị tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu.

3. Một số ý kiến đề xuất

Thứ nhất, các bên giao kết hợp đồng cần phải thực hiện đúng quy định của pháp luật về việc quy định điều khoản thanh toán trong hợp đồng. Vì vậy, khi bắt đầu tham gia giao kết hợp đồng cần tìm hiểu thật kỹ các quy định của pháp luật về giao kết hợp đồng nói chung và điều khoản về giá cả, thanh toán nói riêng; cân nhắc, lựa chọn thật kỹ phương án nào là có lợi nhất cho mình. Đừng để mình vi phạm pháp luật hoặc cố tình vi phạm pháp luật rồi tốn thời gian và tiền bạc cũng như công sức để đi giải quyết hậu quả của sự vi phạm này.

Thứ hai, các cơ quan nhà nước cần thanh tra, kiểm tra các hành vi vi phạm về việc quy định đồng tiền thanh toán trong hợp đồng, và có biện pháp xử lý thích đáng đối với các tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng mà vi phạm điều khoản thanh toán trong hợp đồng.

Thứ ba, chúng tôi cho rằng Tòa án nhân dân, trọng tài thương mại khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng, nếu đồng tiền thanh toán trong hợp đồng là ngoại hối không thuộc trường hợp pháp luật cho phép thanh toán bằng ngoại hối thì tuyên bố hợp đồng vô hiệu khi các bên có yêu cầu, đồng thời vận dụng linh hoạt buộc bên soạn thỏa hợp đồng sử dụng ngoại hối khi giao kết đồng phải bồi thường thiệt hại, đồng thời chuyển cho các cơ quan có liên quan có những biện pháp xử lý thích đáng.

Tóm lại, việc sử dụng đồng tiền Việt Nam (VND) thanh toán trong hợp đồng vừa đảm bảo việc chấp hành đúng quy định của pháp luật, vừa thể hiện sự tôn trọng đồng tiền Việt Nam trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa hiện nay.

 

  • Thạc sĩ Nguyễn Việt Khoa, Giảng viên Khoa Luật Kinh tế Đại học Kinh tế TP.HCM
 

Hệ thống đang xử lý. Vui lòng đợi!